Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó có diễn biến âm thầm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy hãy theo dõi bài viết dưới đây của Javilink để nắm được cách phòng tránh tăng huyết áp ở người cao tuổi nhé!
Tăng huyết áp ở người cao tuổi là gì?
Huyết áp được hiểu nôm na là áp lực của dòng máu trong lòng động mạch đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tạo bởi sức co bóp hút – đẩy máu của tim và sự co giãn của thành mạch. Huyết áp còn bị chi phối nhiều yếu tố như nhịp tim, độ đàn hồi động mạch, thể tích máu lưu thông và độ nhớt máu…
Tăng huyết áp là bệnh phổ biến ở người cao tuổi
Bệnh tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tăng cao hơn mức bình thường (≥ 140/90 mmHg). Nếu áp lực của máu quá cao thì trái tim của bạn cần phải dùng nhiều lực hơn để bơm máu đủ cung cấp đủ máu cho toàn cơ thể. Chính vì thế, nếu huyết áp của bạn bị tăng quá cao thì rất dễ dẫn đến nguy cơ suy tim, suy thận hoặc đột quỵ.
Dấu hiệu tăng huyết áp ở người cao tuổi
Trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, cho đến khi đi khám bệnh hoặc đã bị các biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra rồi mới biết mình đang mắc bệnh. Đó là lý do tại sao tăng huyết áp lại nguy hiểm và được xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để biết mình bị tăng huyết áp là kiểm tra huyết áp thường xuyên. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cao huyết áp nên chú ý một số triệu chứng chung như sau:
- Choáng váng, nhức đầu.
- Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt.
- Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp.
- Đỏ mặt, buồn nôn.
- Có vấn đề về thị giác và hô hấp
Cần lưu ý khi người cao tuổi có các dấu hiệu tăng huyết áp
Tăng huyết áp ở người cao tuổi có nguy hiểm không?
Người cao tuổi sức khỏe thường suy giảm, chính vì vậy tăng huyết áp ở người cao tuổi thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Suy tim là biến chứng đầu tiên, có đến 90% bệnh nhân suy tim với nguyên nhân là tăng huyết áp. Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm bởi nó diễn ra thầm lặng trong thời gian dài, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
- Các biến chứng về não có thể gặp do tăng huyết áp như xuất huyết não, nhồi máu não, thiếu máu não.
- Tăng huyết áp ở người già có thể gây ra suy thận do màng lọc của tế bào thận bị hỏng dẫn đến tình trạng đi tiểu ra protein.
- Mạch máu võng mạc bị tổn thương, xuất huyết võng mạc, thị lực suy giảm thậm chí là mù lòa.
- Tiểu đường và tăng huyết áp thường đi kèm với nhau, chính vì vậy người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh tiểu đường nếu có.
Phòng tránh tăng huyết áp ở người cao tuổi
- Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp
Cao huyết áp có nhiều nguyên nhân, trong đó có thừa cân, béo phì. Chỉ số BMI là chỉ số đánh giá cân nặng hiện tại của bạn có phù hợp hơn và đưa ra cân nặng tối ưu để bạn hướng đến. Nếu đang gặp phải vấn đề thừa cân, béo phì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn giảm cân an toàn.
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Người cao tuổi tăng huyết áp nên thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà, điều này giúp theo dõi được tình trạng huyết áp cũng như có sự chuẩn bị cho vấn đề cao huyết áp có thể xảy ra. Tuy nhiên bên cạnh việc kiểm tra huyết áp, người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện và điều trị những vấn đề liên quan đến sức khỏe, trong đó có tăng huyết áp.
- Ăn nhạt
Nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa muối và tình trạng tăng huyết áp. Khi nạp quá nhiều muối vào cơ thể so với mức cần thiết, lượng Na+ sẽ bị vận chuyển vào tế bào cơ, gây ra tình trạng tăng huyết áp. Ăn nhạt hơn là biện pháp hữu hiệu giúp người già hạn chế tình trạng này xảy ra.
Nên ăn nhạt để phòng tránh tăng huyết áp ở người cao tuổi
- Tăng cường vận động
Người cao tuổi có thể không phù hợp với những bài tập nhanh như người trẻ, vì thế hãy hướng đến những bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ ngắn, tập yoga, dưỡng sinh,… Việc tập thể dục hàng ngày có vai trò quan trọng trong tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi.
- Không hút thuốc lá
Lượng cholesterol tốt có trong máu sẽ suy giảm do hút nhiều thuốc khiến nguy cơ đông máu gia tăng và khó nhận biết các triệu chứng đau ngực, khiến người bệnh không kịp thời nhận biết những nguy cơ của cơ thể. Ngoài ra, hút thuốc còn làm giảm hoạt động của hệ thống tim mạch, nhịp tim tăng cao hơn, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác cho người cao tuổi.
Javilink hy vọng bài viết trên giúp bạn có thêm các thông tin về tăng huyết áp ở người cao tuổi. Nếu bạn cần thêm các thông tin liên quan, hãy liên hệ hotline 1900 633 826 để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí nhé!